HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien)






Kỳ 27








Bùi Ngọc Tấn














Vẫn không dứt ám ảnh về những gì người ta đang
giăng bẫy, tôi lên Hà Nội từ ngày mồng 9 để gặp gỡ các bạn, trao đổi bàn bạc.
Tôi đưa cho Lê Bầu bản sao bức thư viết tay gửi Hữu Thỉnh, bản nháp bức thư sau
khi đi Trung Quốc về tôi sẽ gửi Nguyễn Khoa Điềm hay Nông Đức Mạnh. Rồi tôi gọi
điện cho Trần Thị Trường, người bạn mới quen nhưng đã hoàn toàn tin tưởng và
quý mến.


Buổi tối, Trường đến nhà Dương Tường, gặp tôi ở
đó. Chỉ có hai chúng tôi ngồi dưới phòng tranh của Mai Gallery và cũng là phòng
khách. Vừa bắt đầu câu chuyện, từ phía sân ngoài cửa sổ đã có tiếng người:


– Anh Tấn mới lên đấy à.


Tôi nhìn ra. Trung Sơn, một chuyên viên
điện ảnh, người tôi quen từ ngày làm báo Tiền Phong. Và một giọng nói khác:


– May quá. Gặp tác giả Chuyện Kể Năm 2000 ở đây. Tôi lại đang
cầm tập sách của anh. Xin anh một chữ ký làm kỷ niệm.


Tôi phải bước ra cửa sổ nhận bộ sách từ tay người
bạn đọc qua song sắt và ký tặng. Khi chỉ còn hai chúng tôi, Trường bảo:


– Người ta nói với anh nhưng cứ nhìn vào em. Sao
lại lạ thế nhỉ. Chắc chắn người ta biết anh đang ở nhà anh Tường. Nhưng sao em
vừa đến người ta đã biết.


Trường cho tôi một cây ba số “Của người ta cho em
đấy. Anh mang đi hút, bên ấy thuốc này đắt lắm.” Trường ngồi với tôi tới khuya.
Anh ở vào thế không đi không được. Chắc chắn sẽ có rất nhiều tin được tung ra
để bôi nhọ anh. Và Trường kể, chính V.D.T., vụ trưởng thuộc ban Tư Tưởng Văn
Hoá Trung Ương Đảng nói với Trường ở trại sáng tác Tam Đảo rằng Bùi Ngọc Tấn
làm đơn lên Ban Tư tưởng Văn Hoá tự nguyện không nhận giải và xin được đi Trung
Quốc. Kỳ này bọn anh cho đi. Tiền tiêu
thoải mái.
Đúng như tôi đã dự đoán và mặc dù đã lường trước tất cả nhưng
tôi vẫn phải cố lắm mới giữ được bình tĩnh. Chẳng biết họ sẽ còn giở những trò
gì để bôi nhọ tôi. Tôi hỏi Trường rằng trong trường hợp cần thiết, Trường có
chứng cho tôi việc ngài vụ trưởng V.D.T. đã vu cáo tôi không. “Tất nhiên là
trong văn bản, anh không nói rõ tên ông ta.” Trường thản nhiên:


– Lúc ông V.D.T. nói có cả em và một người nữa.
Nhưng khi cần chứng thực, em nghĩ cái người kia có thể sẽ sợ quá mà nói rằng
lúc ấy tôi ngủ nên không biết. Còn em, em sẵn sàng chứng thực điều ông ta nói.
Chính tai em nghe mà.


Có cần phải nhắc lại một lần nữa Trần Thị Trường
thật tuyệt vời không? Tôi xin một mở ngoặc để nói thêm về ông V.D.T. này. Trong
đại hội nhà văn năm 2005 — 4 năm sau khi tôi đi Trung Quốc — có một người mấy
lần kéo tôi đi chụp ảnh với ông ta. Tôi hỏi Bầu ai đấy. Bầu cười: Ông V.D.T.
đấy!


Nhiều người nói với Trường cũng như nói với Bầu
rằng trong một cuộc họp của Ban Tư Tưởng Văn Hoá với các tổng biên tập các báo,
người ta phổ biến rằng tôi đã chính thức không nhận giải Nhân Quyền, không nhận
một cách tế nhị là tạm hoãn việc nhận tiền! Chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến khó
lường, nhưng tôi không sợ. Đối phó với tất cả các thủ đoạn ấy là sự trung thực
của mình, trung thực khi mình đối diện với chính mình. Hãy cứ đi đã. Rồi khi về
sẽ ra một cái tuyên bố, hay thư ngỏ.


Trường dặn: Anh đi một bước, theo dõi một bước đấy. Sang Trung
Quốc phải hết sức cẩn thận. Thằng con trai em là luật sư. Nó bảo: Bác Tấn đi
với Hữu Thỉnh thì được. Đi với người khác còn phải xem đã. Đi với Hữu Thỉnh là ngang giá. Đi được. Anh nhớ mang theo đủ
thuốc. Đừng bao giờ uống thuốc của bất kỳ ai. Nước uống cũng vậy. Trường dặn dò
tôi, lo lắng cho tôi như một người em gái. Có thể những gì chúng tôi lo là
thừa. Nhưng điều đáng nói không phải là sự quá lo xa của chúng tôi. Điều đáng
nói ở đây là Nhà Nước này đã làm gì để người dân suy nghĩ như vậy, lo xa như
vậy? Cũng như chuyện vợ chồng Lưu Quang Vũ chết, có thể thuần tuý là một tai
nạn giao thông, nhưng vì sao người ta cứ nghĩ rằng đây là một vụ giết người?


Ngày mùng 10 tháng 9, một fan của tôi làm ở ngành
dầu khí, anh Nguyễn Đức Thành cho ô tô và cả lái xe riêng của anh đưa vợ tôi từ
Hải Phòng lên Hà Nội. Chúng tôi gặp nhau ở nhà Dương Tường. Chiều 10, Minh, tên
người lái xe, đưa tôi đến Hội Nhà Văn để nghe phổ biến kế hoạch đi, rồi từ đấy
tới dự tiệc do đại sứ Tề Kiến Quốc chiêu đãi. Trước khi Minh quay xe, tôi dặn
anh: Mai chú bay đi Trung Quốc, nhưng cho đến bây giờ chú vẫn chưa biết có được
đi không, đến bây giờ chú vẫn chưa có hộ chiếu. Khoảng 9 giờ sáng mai, cháu lại
nhà chú Tường đón cô, đưa cô về Hải Phòng, nếu chú không đi thì cho chú về luôn
thể.


Đúng là việc đi Trung Quốc của tôi vẫn chưa có gì
chắc chắn. Cho đến lúc ấy tôi mới chỉ có trong tay giấy mời dự tiệc của đại sứ
Trung Quốc. Còn hộ chiếu ai cũng đã có — người ta có từ đời nảo đời nào rồi —
cũng như đã được cấp thị thực nhập cảnh. Trừ một mình tôi. Tại Hội Nhà Văn, chị
Hoa, một người thuộc ban đối ngoại của Hội, phụ trách việc này nói với tôi:


– Hộ chiếu của anh lẽ ra có từ sáng, nhưng hôm
nay Lý Bằng đến thăm đại sứ quán Trung Quốc, nên chưa làm thị thực nhập cảnh
được. Tối nay khi chúng ta đến dự tiệc, sứ quán sẽ đưa.


Tôi sẽ không kể bữa tiệc chiêu đãi ở khách sạn
Daiwoo mà người ta khám xét chúng tôi khi vào khách sạn như khám xét hành khách
lên máy bay vậy([1]). Tôi sẽ không kể
cảm giác của tôi khi tới sân bay Bạch Vân, Quảng Châu, cũng như các sân bay
khác ở Trung Quốc lúc nào cũng đông như nhà ga Hàng Cỏ những ngày giáp Tết. Tôi
cũng không ghi lại đây cảnh đẹp khi cùng đoàn rong ruổi trên đất Thục, khi thăm
khu lăng mộ bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng. Hay khi xe chạy qua cầu bắc ngang sông
Dịch Thuỷ không thể không nhớ đến Kinh Kha và ngân nga trong đầu thơ Vũ Hoàng
Chương: Kinh Kha vinh cho ngươi hề ba
nghìn tân khách tiễn ngươi đi / Tiếng trúc nhịp lời ca / Biên thuỳ trống giục /
Nẻo Tần sương sa / Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà / Buồn xưa giờ chưa
tan / Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn


Tôi chỉ muốn nói đến mấy bức chân dung trong bảo
tàng nhà văn Trung Quốc tại Bắc Kinh: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Ba Kim, Tào
Ngu... Tôi rưng rưng trước bức ảnh Đinh Linh và Lão Xá. Bức ảnh Đinh Linh chụp
khi đã về già, tàn tạ, nhầu nát vì tuổi tác, vì bị đầy đoạ và đau khổ. Còn Lão
Xá, bố Thư Ất giám đốc bảo tàng, đang dạy học ở Mỹ được Chu Ân Lai phái Tào Ngu
sang đón về nước Trung Hoa giải phóng xây dựng nền văn hoá Trung Quốc mới, đã
đâm đầu xuống hồ chết trong cách mạng văn hoá. Vâng, ông Lão Xá chết trong ao
hồ chứ không phải trên sông trên biển. Mà nào có yên đâu. Lũ trẻ con từng lấy móc sắt quất vào mặt ông / Giờ lôi xác ông lên phơi
nắng.
([2])


*


Tôi cố gắng để giữ được cái văn hoá ứng xử
của mình. Một thái độ giao tiếp bình thường đơn giản nhưng đòi hỏi mình luôn
phải dè chừng cái phản xạ bản năng: Sự sợ hãi. Nhất là khi nói chuyện điện
thoại với các bạn đọc ở nước ngoài, những nhà văn nhà thơ chống Cộng, những
người đã sống trong lao tù Cộng Sản hàng chục năm, những người chắc chắn nằm
trong sổ đen của nhà nước. Tất nhiên người đối thoại với tôi chỉ nói về tập
sách, không bao giờ đẩy tôi vào tình thế khó khăn để tôi có thể bị phiền hà sau
câu chuyện.


Nhưng cũng có những cuộc nói chuyện xa hàng vạn
ki lô mét vượt ra khỏi phạm trù “bạn đọc.” Một buổi tối, chuông điện thoại đổ,
tôi nhấc máy. Đầu dây là một giọng khàn khàn, trầm đục gần như tiếng gió. Sau
khi biết người nói chuyện là tôi, tiếng nói bên kia vẫn yếu ớt như vậy, khiến
tôi phải áp chặt ống nghe vào tai:


– Chào anh Bùi Ngọc Tấn. Tôi là Đặng Văn Long ở Paris. Tôi có đọc anh.


Ông Long hỏi thăm sức khoẻ từng người một trong
gia đình tôi, tất nhiên ông hỏi qua tên những nhân vật trong tiểu thuyết. Ông
nói đọc tôi vừa thương vừa nhớ nước mình quá. Nhưng chẳng làm sao về được.


– Tôi quý nhất Tấn là tập sách của Tấn in ở trong
nước. Tấn không in ở nước ngoài. Quý lắm Tấn ơi.


Người bạn đọc Paris xin phép mỗi tháng được gọi điện cho
tôi một lần. Lời xin rụt rè, thật cảm động, xót thương. Tôi đồng ý ngay, không
đắn đo suy nghĩ, hơn thế còn tự hào coi đó là biểu hiện, là bằng chứng chất
lượng lao động nghệ thuật của mình


– Tôi sang Pháp lâu quá rồi. Hơn sáu mươi năm
rồi.


Tôi giật mình:


– Thế là bác hơn tám mươi tuổi rồi cơ ạ?


Người bạn đọc tha hương giẫy nẩy:


– Đừng. Đừng gọi tôi là bác, Tấn ơi. Cứ gọi là
anh thôi Tấn ơi. Năm nay tôi tám mươi hai rồi. Nhưng cứ gọi là anh thôi Tấn ơi.


Trong câu chuyện, bác Đặng Văn Long luôn nói “Tấn
ơi” ở cuối câu. Tôi không diễn đạt được bằng ngôn từ hai tiếng “Tấn ơi” ông
nói. Nó phều phào như níu kéo cuộc sống đang lìa bỏ mình, đùng đục, thoảng như
tiếng gió, như một sự van nài, một lời thở than tâm sự, một tiếng gọi vọng về
cố quốc. Nghe mà nao lòng.


Và từ bấy, mỗi tháng ông gọi cho tôi một
lần. Cũng chỉ những chuyện đã nói trong lần gặp trước. Tôi vất vả lắm Tấn ơi.
Thời trẻ lao vào tranh đấu. Bị nhà nước Pháp bắt đi tù. Tù ba tháng rưỡi. Tôi
lấy vợ đầm. Người Việt mình lúc bấy giờ ở chỗ tôi ít lắm anh ơi. Phụ nữ lại
càng ít. Phải lấy người Pháp. Mà lấy vợ lúc bấy giờ cũng phải bí mật. Anh em
người ta phê bình. Tranh đấu mà lấy vợ thì khó tranh đấu. Người tranh đấu không
lấy vợ. Khi phong trào xuống vì bị Tây đàn áp, tôi mới lấy vợ. Người Việt mình
ít. Chỉ có năm sáu trăm người. Phụ nữ càng ít. Với lại các chị ấy không thích
lấy chúng tôi là người lao động. Chúng tôi cũng không thích lấy trí thức. Chỉ
lấy lao động thôi. Thế là lấy đầm. Tôi lấy hai vợ cơ đấy Tấn ơi. Cũng là đầm
cả. Lấy bà thứ nhất bà ấy chết thì lại lấy bà thứ hai. Sau Điện Biên Phủ, cái đợt
Tây lùa mười bẩy nghìn người từ Đông Dương về có nhiều phụ nữ Việt Nam lắm. Vợ của
lính. Lính lại bỏ các chị này. Anh Ma Rốc bỏ vợ Việt Nam
về Ma Rốc lấy vợ Ma Rốc. Nhiều bà Việt Nam bơ vơ. Thế là nhiều người lại
bỏ vợ đầm lấy vợ Việt Nam.
Nhưng tôi không thế. Tình nghĩa vợ chồng, mình không làm thế đâu Tấn ơi.


– Lần trước Tấn bảo Tấn đau ruột tôi lo cho Tấn
quá. Khỏi chưa Tấn ơi?


– Khỏi rồi anh ạ.


– Tôi thì yếu lắm. Đi xe lửa ô tô đến đâu cũng
chỉ một phần tư vé thôi. Lại còn được mang theo một người cũng chỉ một phần tư
vé. Nhưng cũng ít đi lắm anh ơi.


Giọng ông Long lào phào bên kia đầu dây nói.


– Thế bây giờ anh ở với ai?


– Tôi ở Paris
có một mình thôi. Cho mấy sinh viên Việt Nam ở nhờ. Họ giúp tôi mua bán, nấu
ăn. Tôi thích văn nghệ lắm anh ơi. Tự học thôi. Viết tiểu thuyết, viết sử. Làm
thơ. Vẽ tranh. Tập Người Việt Ơ Nước
Ngoài
của tôi nhà xuất bản Lao Động ở Hà Nội in đấy. Người ta tưởng tôi xa
nhà lâu, quên tiếng Việt. Họ chữa của tôi. Nhưng không phải tôi quên tiếng
Việt. Người nhà quê nói thày u chứ.
Họ nói mặt giăng mặt giời chứ có nói mặt trăng mặt trời đâu.


Ông Long còn gửi người cầm tay về cho tôi một
quyển sách ông biên soạn: Tập Người Việt
Ở Pháp
1940–1954 dầy trên 600
trang chữ nhỏ, khổ lớn. Đây là một tập sách với những tư liệu đầy đủ và chính
xác về người Việt Nam
làm việc, đấu tranh tại Pháp từ năm 1940 đến 1954. Một sức lao động khổng lồ.
Xem Người Việt Ở Pháp tôi mới biết
những năm đầu kháng chiến, Đảng Cộng Sản Pháp ủng hộ chính phủ De Gaulle tiến
hành chiến tranh ở Việt Nam, cũng như tôi mới biết chi tiết cái chết của Tạ Thu
Thâu, một cái chết bi thương... Những sự thật chúng tôi không thể nào quan niệm
nổi và hiểu rằng mình cũng như cả nước này đã cả tin, đã nhẹ dạ biết bao!


Những buổi nói chuyện kéo dài cả nửa tiếng đồng
hồ không biết phải trả bao nhiêu tiền giữa chúng tôi diễn ra đều đặn. Cũng như
tôi, hình như ông Long chờ mong ngày đó. Tôi nghe ông mà xót thương. Ngoài tám
mươi, xa tổ quốc sáu mươi năm. Đau yếu, bệnh tật, gần đất xa giời, cô đơn, nhớ
về tổ quốc một cách tuyệt vọng. Bởi thế nên vọng về giọng khàn khàn đục đục của
ông khi nhấc máy điện thoại, bao giờ trong tôi cũng vừa náo nức vừa đằm thắm
một niềm vui. Và nghĩ không biết tôi còn được chuyện với ông bao lâu nữa. Nghĩ
tới lúc không còn được nghe giọng ông từ nghìn trùng vọng lại mà buồn, mà lo.
Nỗi lo của tôi đã biến thành sự thật. Bẵng đi mấy tháng tôi không nhận được
điện thoại của ông. Ông làm sao rồi? Bởi nếu còn sống thế nào ông cũng gọi điện
cho tôi. Lại càng lo vì trước lúc ông bặt vô âm tín, tôi có nhận được một cú
điện thoại cũng từ Paris
tới. Một người bạn của ông Đặng Văn Long. Ông Vũ Quốc Phan. Đọc tôi, ông Phan
gọi điện cho tôi. Không chỉ đọc Chuyện Kể
Năm 2000,
ông Phan còn đọc Một Thời
Để Mất
, tập hồi ký của tôi viết về Nguyên Hồng. Đọc bản phô-tô. Do nhà critique
Đặng Tiến cho mượn. Anh có biết anh Đặng Tiến không nhỉ. Đặng Tiến critique ấy
mà. Hồng. Mày lên đây. Tôi đọc câu ấy mà còn nhìn thấy cả bố Nguyên Hồng mặt
bủng môi thâm ngồi trong màn. Năm 1997 giỗ Nguyên Hồng 80 tuổi anh có lên Yên
Thế không? Năm ấy anh cũng lên thì tiếc quá. Vì tôi cũng có ở đấy mà anh em
mình không biết nhau. Mấy đứa con Nguyên Hồng, thằng Hồng Hà, thằng Giang,
thằng Sơn đón tôi lên Yên Thế. Tôi là anh họ Nguyên Hồng. Bố tôi là anh mẹ
Nguyên Hồng. Thuở bé chúng tôi chơi với nhau. Ra cả bãi gì như bãi Bonnal tập.
Rồi chụp ảnh. Hai lực sĩ cùng gầy như hai bộ xương. Tôi gửi cho Nguyên Hồng nào
là Lênin, Trotski, Người Mẹ..., nhiều
sách của Liên Xô về cho tủ sách của Nguyên Hồng. Anh viết đúng là Nguyên Hồng,
từ cách ăn mặc, cách nói. Lại nói lắp nữa. Khi Nguyên Hồng còn sống, tôi về
nước, nằm với Nguyên Hồng, tôi hỏi Nguyên Hồng:


– Năm 36, 37, 38, 40 thuộc Pháp, cậu còn viết Bỉ Vỏ. Sao bây giờ không viết đi. Nó còn
ghê hơn Bỉ Vỏ ấy chứ.


Nguyên Hồng bảo tôi:


– Kệ mẹ chúng nó anh ạ. Đến khi tôi chết người ta
sẽ biết tất cả. Bây giờ có rượu anh em mình uống đã.


Thế là Hồng nó chết nhưng cũng ân hận lắm đấy.
Như anh viết ấy. Việc định làm chưa làm được. Đọc xong Một Thời Để Mất, tôi đưa anh Long đọc, hỏi làm sao liên lạc được
với anh Tấn nhỉ. Anh Long cho tôi số điện thoại của anh đấy chứ. Tội nghiệp.
Anh Long yếu lắm. Gọi điện thoại thì bảo hãy chờ. Bác sĩ đang khám bệnh. Có lẽ
phải vào nằm nhà thương. À quên. Giáng Hương bao nhiêu tuổi rồi nhỉ. Tôi nói số
tuổi của cháu. Ông Phan: Cứ thấy bác Nguyên Hồng là “bố mẹ cháu mời bác uống
rượu đấy.”


Tôi nghe tiếng ông Phan cười vui trong máy.


Không chỉ gọi điện thoại, ông Phan còn gửi cho
tôi những dòng chữ viết sau một tấm bưu ảnh tỏ ý muốn mời tôi sang Pháp, và cứ
để trần như vậy mà gửi, chẳng có phong bì — thật là dễ dàng trong việc kiểm
duyệt. Bức thư này tôi đã công bố trong Một
Thời Để Mất
.


Thế là ở Paris tôi có hai bạn đọc vong niên muốn được
gặp và muốn mời tôi sang chơi. Nhưng không biết tôi có cơ may được gặp hai ông
không. Nền dân chủ của chúng ta bò quá chậm. Còn thời gian vẫn cứ trôi theo một
nhịp. Hai ông có đợi được không. Ông Phan có vẻ còn khoẻ. Ông Long thì tôi sợ
ngay cả những cuộc điện thoại cũng sẽ kết thúc bất cứ lúc nào. Những thông tin
về ông thật đáng lo ngại. Bác sĩ đang khám bệnh cho ông, có lẽ phải vào nhà
thương, đi đâu có tiêu chuẩn mang theo người phục vụ, bệnh tim nặng... Mấy
tháng liền không thấy ông Long điện thoại. Hay ông làm sao rồi. Nếu còn sống
thế nào ông cũng gọi điện cho tôi. Ông đâu chỉ nói chuyện với tôi. Qua câu
chuyện cùng tôi, ông còn vợi tâm sự mình với tuổi trẻ, với cố hương...


Rồi một buổi tối chuông điện thoại lại đổ. Lại
một giọng rè, đục, nhẹ và trầm yếu:


– Tôi gặp anh Bùi Ngọc Tấn.


Tôi không nhận ngay ra ông Long, người bạn già
hiu hắt Paris
mà tôi không biết mặt.


– Vâng. Tôi là Bùi Ngọc Tấn đây.


– Long đây Tấn ơi!


Ông nói như reo dù tiếng reo nhẹ như gió thoảng.
Đến lượt tôi hét to trong máy:


– Ơ! Tưởng cụ làm sao rồi. Mừng quá!


– Tôi đi Belgique thăm con gái. Từ nhà thương đi
nên chẳng gọi điện cho ai.


– Lâu quá không thấy cụ điện về. Cứ tưởng cụ làm
sao.


– Tôi mới về Paris chưa được một tuần. Sang Bỉ hơn tháng
tôi hao mất năm ki lô. Từ 37 ki lô xuống còn 32 ki lô. Ở Belgique khó chịu lắm.
Nhưng về Paris
đỡ rồi. Không khí Paris
tốt lắm. Lúc mới về mệt quá không muốn gọi điện cho anh.


– Nhưng sao anh gầy thế?


– Năm ba chín — 1939 —  tôi sang đây nặng 66 ki lô. Bây giờ cứ sút
dần. Tôi bị nhiều bệnh lắm. Tim, phổi, gan. Đeo máy trợ tim bẩy tám năm nay
rồi. Trước khi đi Belgique, con gái tôi đưa tôi đến nhà thương khám bệnh vì tôi
mệt quá, khó chịu quá. Vào nhà thương không gặp anh bác sĩ vẫn chữa cho mình.
Anh này mới. Anh này bảo bệnh anh không phải nằm. Chỉ giữ lại một đêm để theo
dõi thôi. Chín giờ tối tôi ra khỏi nhà thương. Con gái tôi lái xe đưa tôi về
Belgique.


– Anh có mấy người con?


– Tôi có ba đứa. Hai thằng con trai. Một thằng
chết năm ngoái. Nó cũng tài tử nửa vời như tôi. Nhưng rượu thuốc lá nhiều quá.
Còn con gái út tuần nào cũng lái xe về Paris
thăm tôi. Bên này đi lại nhanh lắm anh ơi. Bốn trăm ki lô mét đi ô tô hơn hai
tiếng, đi tầu hoả chỉ một giờ hai mươi phút thôi.


Ngừng một lát ông lại hỏi: Thế Tấn khỏi
hẳn đau ruột chưa Tấn ơi ([3]). Tôi muốn Tấn
sang bên này chơi với tôi quá. Tôi viết giấy mời Tấn thì được ngay thôi. Nhưng
nghĩ đến chuyện Tấn phải đút lót thì chẳng muốn làm nữa.


Câu chuyện lại đi vào chiều hướng hấp dẫn đối với
những máy nghe lén. Vẫn hồn nhiên như vậy, ông bảo với tôi là ông rất muốn mời
cháu Ly Hoàng Ly sang chơi mấy tháng. Nhân tài mà còn trẻ quý lắm anh ơi. Tôi
cũng đã gọi điện cho anh Hoàng Hưng rồi. Nước mình bé quá. Thế giới người ta
không chú ý đến. Nếu mình là Trung Quốc hay nước Nga chẳng hạn thì chắc chắn
anh sẽ được Nobel. Solzhenitsyn đấy thay...


Tháng 8-2001, tôi nói chuyện với ông Long mà
không biết rằng đấy là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của ông. Tháng 9
tôi đi Trung Quốc. Tháng 10 tôi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm vợ chồng Hải Yến
và lo việc tái bản Một Thời Để Mất.
Dương Tường cũng vào chơi với chúng tôi. Tôi nhờ Dương Tường cầm Một Thời Để Mất mới tái bản ra Hà Nội
gửi Đặng Tiến mang sang Pháp tặng ông Phan, ông Long vì Tường bảo Đặng Tiến
đang ở Hà Nội, Đặng Tiến critique như ông Phan nói. Nhưng chỉ ông Phan nhận
được sách của tôi. Ông Đặng Văn Long thì không. Ông đã mất. Giống Một Thời Để Mất in lần đầu tiên tôi
không tặng được Hứa Văn Định. Chỉ chậm mấy tiếng đồng hồ. Và phải xé từng tờ
đốt trước mộ Định.


*


Mùa thu năm 2004, tôi đi Pháp theo giấy mời của
ông Vũ Quốc Phan. Trước khi sang Pháp, tôi phải nhiều lần làm việc với các cơ
quan hữu quan. Những câu hỏi thăm dò, những lời khuyên, kể cả những hăm doạ
bóng gió xa xôi. Nhưng sau những lời nói chính thống ấy là buổi chia tay thân
mật, là cửa phòng khép lại, bia, bánh kẹo, thuốc lá như một cuộc liên hoan và
những lời chia xẻ chân tình bầy tỏ lòng quý mến, kính trọng tôi kể cả lời
khuyên làm tôi bất ngờ:


– Anh sang bên ấy, thế nào người ta cũng trao
giải thưởng — Nhân Quyền — cho anh. Anh cứ nhận anh ạ.


– Sếp của em rất kính trọng anh. Sếp của em nói
với ông Tô Huy Rứa rằng không cấp nhà cho anh là một sai lầm…


Tôi không dám viết tên cơ quan và tên những người
ấy ra đây, sợ sẽ đem lại hệ lụy cho họ. Tôi cũng tước bỏ mọi chi tiết bởi “nó
sẽ nói.”


Sau con người ký sổ lương kiếm đồng tiền nuôi vợ
nuôi con, phải hoàn thành vở diễn, phải làm những điều trái lương tâm, là con
người thực, chưa bị làm xấu đi, con người cùng chung một cái nhìn, một tiêu
chuẩn giá trị, là người lương thiện với người lương thiện, người tử tế với
người tử tế. Các anh đã nói với tôi những lời thành thật nhất. 


Ông Trần Lâm, nguyên thành uỷ viên Hải Phòng, một
luật sư, thẩm phán toà án nhân dân tối cao, người đã sống trong địch hậu thời
chống Pháp, một người bạn của cả gia đình tôi, nghĩa là của bố tôi, các anh tôi
và tôi, ông luật sư chủ trì tang lễ Người Yêu Nước Hoàng Minh Chính, có kể cho
tôi nghe một lần ông được công an mời lên làm việc, ông đã hỏi những người công
an tiếp ông: “Hôm nay chúng ta làm việc
thật hay giả vờ đây?”
Và những chủ nhân đã bỏ ông khách ngồi một mình trong
phòng, chạy ra ngoài hành lang bưng miệng cười — Lại thêm dẫn chứng sinh động
về guồng máy cai trị khiến người ta không thể tốt, và một môi trường nhiều
người sắp biến thành kẻ ác như thơ Nguyễn Thành Phong.


Sau mười ba giờ bay, là người cuối cùng nhận hành
lý, tôi một mình kéo chiếc va-li có bánh xe lăn, tìm ra cửa sân bay Charles de
Gaulle và thật thú vị làm sao khi thấy không chỉ Đặng Tiến, Nguyễn Ngọc Giao mà
cả Dương Thụ nữa đứng đón tôi. Nếu như ở Trung Quốc luôn phải trịnh trọng, luôn
nghe những câu như tình hữu nghị do Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch dầy công xây
đắp, đất này là đất địa linh nhân kiệt…, thì những ngày Châu Âu của tôi là cuộc
sống của người đi du lịch, hơn thế cuộc sống giữa những vòng tay bè bạn, những
người thân thiết. Dù đã bàn bạc và thống nhất với ông bà Vũ Quốc Phan và Vũ Thư
Hiên về chặng đường đầu tiên này, tôi vẫn áy náy vì chưa đến chào ông bà Phan
cũng như gặp Hiên ngay được. Hành trình về Orleans
đã được hoạch định trước, khi tôi còn ở Việt Nam. Xe chạy với tốc độ 120
ki-lô-mét giờ, tới nhà Đặng Tiến trời còn sáng, thứ ánh sáng của những đêm thu
dịu dàng, sáng mãi trong đêm tối không chịu tắt, càng ở lâu càng quyến rũ tôi.


Hai ngày ở Orleans,
tôi và Dương Thụ với cái camera đi thám hiểm vùng nông thôn chung quanh, Những
chậu hoa bên đường, những khóm hoa trồng hai bên dốc cầu, những lẵng hoa tươi
treo hai bên thành cầu đều làm chúng tôi ngạc nhiên. Đúng là “không phải chỉ —
sống — bằng bánh mì”([4]) như Dudintsev
viết. Lại càng lạ mắt trước những cánh đồng táo, những cánh đồng lê, quả căng
mọng phơi ra giữa những cành lá xanh tươi một cách rất hớ hênh. Mà đồng ruộng
mới vắng vẻ làm sao. Vút lên chung quanh là rừng, là những cây cổ thụ. Như có
một sức hút, hai chúng tôi cùng rời đường nhựa đi xuống ruộng, bước giữa những
cành lê, cành táo. Thụ lấy máy ghi hình tôi. Tới một bìa rừng, nhìn những quả
táo phơn phớt hồng chìa ra, đinh ninh là táo dại, tôi và Thụ thay phiên nhau
mỗi người trẩy hai quả cho lên miệng cắn, nhai và ghi hình, người nọ ghi hình
người kia đang vít cành, vặt quả, vừa nhai vừa cười nghịch ngợm như những đứa
trẻ. Chúng tôi đã trở lại thành trẻ con. Niềm vui con trẻ của hai ông già một
trên sáu mươi, một trên bẩy mươi chỉ chấm dứt khi nhìn thấy tấm lưới bằng giây
thép bọc ni lông bao cả một vạt rừng, nghĩa là cây táo chúng tôi vừa hái quả
không phải là táo dại! Rồi chúng tôi đi lang thang vào những làng lân cận. Vùng
nông thôn Orléans đẹp mê hồn. Những biệt thự ẩn hiện trong những tán lá cây cổ
thụ mà Dương Thụ cả quyết những đại gia ở Việt Nam cũng không có được.


Những mảnh vườn với những hàng rào ken sít nhau
một loại cây lá kim như một bức tường xanh. Và những dải đất. Những dải đất
vuông vắn, dài và rộng giữa một bên là đường nhựa, một bên là rừng. Mà sao vắng
người qua lại thế. Tôi bảo  Dương Thụ:


– Phải về báo cáo với các “sếp” sang đây mua đất
rồi chia lô ngay. Xây nhà. Bán lại. Kéo người sang đây ở. Làm như vậy khoảng
mươi năm, bọn Pháp hết đất sống còn chúng ta sẽ xây dựng tại đây chủ nghĩa xã
hội!


Cứ nhìn thấy một khoảng đất rộng nào, tôi và
Dương Thụ lại kêu lên với nhau:


– Chia lô! Chia lô!


Gây ấn tượng nhất về nông thôn Orleans — cũng như nông
thôn Bỉ, nông thôn Đức, nông thôn Hà Lần chúng tôi tới sau này — là các con
đường và những cửa sổ. Những cửa sổ mở rộng với những rèm nhiều loại nhiều mầu
vắt sang hai bên và những bức tượng nhỏ xinh giữa những cụm hoa. Không cửa sổ
nào vắng hoa. Có thể nói mỗi cửa sổ là một tâm hồn rộng mở. Ngay dưới những cửa
sổ hiếu khách ấy là những con đường nhựa. Không dài rộng như những con đường
Amsterdam, Dresden, hay Paris, các con đường nông thôn Châu Âu cũng sạch sẽ,
cũng có những thùng rác có nắp kín, có bánh xe lăn, cũng những dẫy xe hơi nối
đuôi nhau đỗ hai bên, cũng đủ các biển báo giao thông, vạch sơn trắng cho người
sang đường, đèn xanh đèn đỏ. Và đặc biệt, ở đâu có nhà là có trụ máy nước bằng
gang sơn đỏ để bắc vào đấy những chiếc vòi rồng cứu hoả, dù hẻo lánh đến đâu.


Chúng tôi ở Orleans hai ngày, cảm thấy Châu Âu
qua bầu khí quyển trong suốt, con sông Loiret nước cạn nhìn rõ đáy, những con
thiên nga trắng muốt cổ cong lộng lẫy trên sông quây quần nơi một ông già cùng
cháu nhỏ trên bờ giữa đám lau sậy trổ bông phơ phất “rất Sông Lô” như Dương Thụ nhận xét, đang ném bánh mì xuống nước
và những đàn vịt xám cần mẫn sục mồi hay vỗ cánh bay là là trên mặt sóng lăn
tăn.


Rồi chúng tôi ngược lên Lille, một thành phố phía Bắc nước Pháp. Thụ
có người quen ở đó, anh Kamal Nguyễn, một người Pháp gốc Việt lai Ấn.  Xuống một nhà ga, tạt vào nhà vợ chồng Thuận
- Vũ ở ngoại ô và lên một nhà ga khác, cho tới lúc đó, tôi mới chỉ biết Paris
qua một sân bay, hai nhà ga xe lửa nhưng có hề gì. Lille với chúng tôi cũng đủ lắm rồi. Lille với những ngõ nhỏ
lát đá sạch bong dài sâu hun hút đầy vẻ mời chào. Lille với quảng trường Place
du Concert, vút tận trời xanh tượng ba cô gái dát vàng trên nóc ngôi nhà toà
soạn báo Tiếng Nói Phương Bắc. Lille với tiếng móng ngựa lóc cóc gõ trên đường
lát đá chở những tốp khách du lịch đi ngang qua nhà Kamal, tiếng móng ngựa luôn
kéo tôi và Dương Thụ bước ra cửa sổ nhìn xuống những con ngựa nâu cao lớn, bờm
xén tỉa rủ về một bên, trên những cỗ xe tuyệt đẹp cầm cương thường là một cô
gái trẻ, khách du lịch, còn người xà ích ngồi ghế liền bên. Và phía sau xe,
những chiếc ô tô nối nhau thành dòng chầm chậm bò theo, không một tiếng còi
giục giã.


Tầu hoả cao tốc đưa chúng tôi tới Lille vào lúc 6 giờ chiều.
6 giờ chiều những ngày tháng Tám ở Châu Âu có lẽ là thời gian đẹp nhất cho
những cuộc đi. Bởi đang là mùa thu, 9 giờ tối ở đây vẫn nhìn thấy nền trời xanh
dìu dịu trên cao. Xa lộ biến thành hai dải mầu: mầu vàng của những đèn pha dòng
xe đi ngược lại, mầu đỏ đèn hậu của dòng xe bên phải cùng chiều. Và ít khi
người ta ngủ trước 12 giờ đêm. Ra đón chúng tôi ở sân ga Lille không chỉ Kamal mà còn có một thiếu phụ
tóc vàng, chị Malika, bạn Kamal. Sau khi dẫn chúng tôi về nhà cất va li, ngay
lập tức Kamal lái ô tô đưa chúng tôi ra khỏi Lille. “Có một cửa hàng thịt nướng ngon lắm ở
Bỉ. Chúng ta đi chơi và ăn tối ở đấy.” Malika cùng đi với chúng tôi, một Malika
cao gần mét tám, mảnh dẻ như một người mẫu, tóc vàng rực mà sau này Kamal cho
biết đã phải nhuộm cho sẫm đi chút ít, mái tóc bập bềnh — cái đích tôi luôn dõi
theo trong những buổi đi chợ phiên đông đúc để không bị lạc, một Malika ít nói
với nét mặt buồn.


Xe đã ra khỏi Lille và nhập vào những con đường Châu Âu.
Những con đường Châu Âu! Sẽ suốt đời không quên những con đường ấy. Nhất là sau
này cùng với Vũ Thư Hiên trên xe hơi của Bùi Hồng Mạnh, của anh Kiểm,
người  đã in Chuyện Kể Năm 2000 phát không, rong ruổi từ Berlin về Dresden, qua
Leipzig, tới Nuremberg, về Munich, rồi qua Áo, những con đường cao tốc gần như
không một chỗ lồi lõm, những con đường tám làn xe chạy với tốc độ 120
ki-lô-mét/giờ không một tiếng còi, những con đường chồng lên nhau, tầng trên
tầng dưới, dâng lên cao, rồi nghiêng nghiêng sà xuống làm thành những đường
cong tạo hình tuyệt đẹp, khiến người ngồi trong xe có cảm giác đang bay lượn,
những con đường dẫn tới vô tận, những con đường đưa tôi về lại tuổi thơ.             


 Đang mải
mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường, những cánh đồng châu Âu, chợt Kamal
kêu:


– Qua biên giới rồi! Chúng ta đang trên đất Bỉ.


Tôi giật mình:


 – Đâu?
Đâu? Biên giới đâu?


Và vội quay đầu lại phía sau. Vẫn chỉ là những
con đường những chiếc xe xuôi ngược nối nhau. Như mọi nơi trên con đường này.
Đường vẫn vậy. Xe vẫn vậy. Cánh đồng vẫn vậy. Những tòa nhà, những cánh đồng
cỏ, những ruộng ngô đang trổ bông vun vút lướt về phía sau vẫn vậy. Chẳng biết
đâu là Pháp và đâu là Bỉ. Trong tâm trí tôi, biên giới là một cái gì rất thiêng
liêng. Biên giới đồng nghĩa với Tổ Quốc. Biên giới là địa đầu, là xương máu cha
ông tiên tổ, là lịch sử, là truyền thống, là cội nguồn, là những cuộc chiến
tranh, những âm mưu, những cuộc đột nhập, là người phát ngôn bộ Ngoại Giao
tuyên bố, là hôn má bên này bật máu má
bên kia
([5]), là gìn giữ từng
mét đất cũng như những cuộc mở mang bờ cõi.
Tôi không tin lại có thể vượt biên quá bình thường như chúng tôi vừa làm. Tôi
không tin lại có những biên giới chẳng đem lại một chút xúc động cổ điển nào
khi vượt qua, cho dù tôi biết Liên Minh Châu Âu đã có đồng tiền chung và tự do
đi lại. Chúng ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với hai
nước cộng sản, hai nước cùng hô vang khẩu hiệu của Mác: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! Báo chí nước ta vừa đưa tin
những cuộc chôn đặt cột mốc biên giới có cả sự chứng kiến của hai bên như một
thắng lợi, như một mong mỏi rồi đây cuộc sống sẽ được bình yên. Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ.
Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới
([6]). Hồi kháng chiến
chống Pháp chúng tôi đã hát như vậy. Hát và tin chủ nghĩa cộng sản sẽ làm được
như vậy!! Tôi bảo Kamal:


– Lần sau gần tới biên giới, anh báo trước tôi
biết và cho xe đi chậm lại Kamal nhé.


Chiều hôm sau chúng tôi lại đi trên con đường ấy.
Kamal đã làm theo yêu cầu của tôi. Biên giới Pháp – Bỉ cách Lille khoảng 30 ki-lô-mét. Không ba-ri-e.
Không hải quan làm thủ tục. Cột mốc biên giới chỉ nhỏ bằng cột xi măng đánh dấu
ki-lô-mét vẫn trồng trên đường 5 nối liền Hải Phòng – Hà Nội nhỏ thấp ở  rìa đường, và cũng được trồng ở rìa đường:


BELGIE


Km 0


B.N.T.


([1])Bởi vì
ở đó đang có hội nghị bộ trưởng tài chính các nước ASEAN.


(2) Thơ Trần Nhuận Minh.


(3) Dạo mới in Chuyện Kể Năm 2000 quá căng thẳng, tôi bị chứng đau quặn thắt ngang
bụng.


(4) Tên một quyển tiểu thuyết của Dudintsev —
Liên Xô cũ.








(Xem tiếp kỳ sau)










































([5])
Thơ Nguyễn Duy.








([6])
Nhạc và lời Việt Lang.







HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien) HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien) Reviewed by Hoàng Minh Phong on 20:32 Rating: 5

Không có nhận xét nào: