Ở NƠI ẤY, TỰ DO

Inrasara

 

Các bài thơ “cảm tác từ Miến Điện” và… được viết từ năm 2008, khi ấy tự do ở Myanmar vẫn còn là:

… Các người chưa đủ trình độ tự do, chúng nói

Chúng tao đang lên đề án nghiên cứu tự do

                        sắp mở các cuộc hội thảo về tự do

Chúng tao sẽ viết chữ TỰ DO thật to thật đậm

Sẽ treo                        TỰ DO đầy đường sá thành phố thôn quê

Sẽ hô rất to khẩu hiệu tự do

Và nhân dân chúng tao sẽ hô khẩu hiệu tự do

Rất to…

 

7 năm đi qua, tự do ở Myanmar đã là một hiện thực: Dân chủ với lãnh tụ Aung San Suu Kyi qua cuộc bầu cử tự do đã thắng lớn. Tiếng thơ cũ tái xuất hiện là điều cần thiết: như ghi nhận một kỉ niệm, một cách đón mừng làn da non mới để hát đưa tang một vết sẹo buồn.

Inrasara

 

 

Ở NƠI ẤY, TỰ DO

(cảm tác từ Miến Điện)

 

 

những sinh phận không tự do

                        thiếu tự do

                        mất tự do những sinh phận

bị cầm tù trong thế giới thung lũng nên không nên

mò mẫm giữa vòng vây của cho phép

                        của nghe nói của được nhìn

 

những sinh phận không biết đến tự do

chưa hề nếm, ngửi, sờ mó tự do

lầm lũi, câm lặng, đi lại, thở trong lồng như thể

đang sống

 

những sinh phận loãng ý thức về tự do

chối từ, chạy trốn, đào ngũ, hết thèm khát

tự do

tự lường gạt đã có khi chưa bao giờ có

tự do

lang thang đầm lầy ân sủng

 

những kẻ đánh tráo khái niệm tự do, phản bội tự do

                        sợ tự do

                        sợ cái đạp vào bức tường sợ

                        tiếng cánh cửa mở

                                    sợ

                                    đi một mình

                                    suy nghĩ cho mình

 

những kẻ sợ chữ tự do như thể sợ

ma                   sợ

nhắc tiếng tự do        sợ

người khác nói đến tự do

                        viết về tự do

                        sợ

tự do được rỉ tai dù bằng

                        tiếng Anh hay tiếng Pháp

                        liberty hay liberté

danh từ, tính từ hoặc động từ

được chia dẫu ở thì tương lai mơ hồ

                        hay thì xa xôi quá khứ thậm chí

                        bằng thứ ngôn ngữ một thổ dân

                        xa                                            lạ

 

khi tôi lỡ bật ra tiếng tự do

                        tôi phải xúc miệng cả khi

                        tôi nói mớ

LIBERTY                                           LIBERTÉ

                        TỰ DO

 

 

 

Ở NƠI ẤY, NHÀ THƠ

(cảm tác từ Afghanistan)

 

 

Tao không muốn mầy làm thơ tình buồn

Tao không muốn mầy làm thơ tình

Tao không muốn mầy làm thơ

Tao không muốn mầy làm

Tao không muốn

Tao không

Tao

T

 

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con, có gia đình

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có

Đơn giản mầy là phụ nữ

Là của cải là đồ chơi

Đơn giản

 

Mầy còn muốn gì nữa

Mầy đã có cuộc sống no đủ

Mầy đã có tao

            Đã có tao

            Có tao            

            Tao

            T

 

Vô ích làm thơ vô ích suy nghĩ thậm vô ích

 

tôi sinh ra thật vô ích*

Nadia

sinh ra không vô ích chết đi

không vô ích làm thơ

Nadia

cánh én xẹt ngang cánh đồng chữ nghĩa

            bay qua bầu trời tự do

ở nơi ấy em đi, Nadia          

anh sẽ đến

địa ngục hay thiên đường

ta lại làm thơ

TỰ DO           NADIA           TỰ DO          

Bông hoa màu đỏ sẫm*                          NADIA

 

__________________________

 

* Bông hoa màu đỏ sẫm: tên tập thơ đầu tay của Nadia Anjuman, nữ nhà thơ trẻ Afghanistan, chết bí ẩn vào ngày 5-11-2005. “Tôi sinh ra thật vô ích” là câu thơ trong tập thơ trên (báo Văn nghệ trẻ, số 46, 18-11-2007, và nadia.afghawrite.org). 

 

 

 NƠI ẤY, CUỘC SỐNG THEO ĐUÔI     

(thêm cảm tác từ Miến Điện)

 

 

Kẻ nào muốn

Kẻ nào muốn tôi

Kẻ nào muốn tôi, anh, chị

Kẻ nào muốn nông dân, thợ thuyền thầy tu hay nhà văn

Giáo sư với sinh viên hết thẩy

Nói, nghĩ, viết, làm

Theo chúng muốn

Theo chúng

Theo

 

Kẻ nào muốn cắt điện thoại di động, dựng tường lửa internet

Kẻ nào muốn aids, lao, sốt rét

Kẻ nào không muốn cuộc sống riêng tư

Kẻ nào muốn nghèo đói, thất học, ngu muội

 

Kẻ nào nói: các người chưa đủ trình độ dân chủ

Kẻ nào muốn nhà văn bôi nhọ                   tự do

                        nhà báo câm họng                tự do

                        triết gia bế tắc                                   tự do

 

Kẻ đó muốn tôi, anh, chị, tất tật

Không suy nghĩ

            làm

            nói

            viết

            khác chúng muốn

Kẻ nào muốn quay ngược kim đồng hồ lịch sử

 

Các người chưa đủ trình độ tự do, chúng nói

Chúng tao đang lên đề án nghiên cứu tự do

                        sắp mở các cuộc hội thảo về tự do

Chúng tao sẽ viết chữ TỰ DO thật to thật đậm

Sẽ treo                        TỰ DO đầy đường sá thành phố thôn quê

Sẽ hô rất to khẩu hiệu tự do

Và nhân dân chúng tao sẽ hô khẩu hiệu tự do

Rất to

 

Cho chúng bây                                  biết mặt.

 

 

THỜI GIAN CỦA MỘT LỜI XIN LỖI

(cảm tác từ Australia)

 

 

Sau hàng chục năm thoái thác và tránh né và chần chừ

thủ tướng đã đọc lời xin lỗi

trong mưa

về câu chuyện một thế hệ bị đánh cắp

giữa khoảng rỗng của đất trời và của lịch sử

trước sự có mặt của gần 1.000 người bản địa

chú ý 1.000               không số lẻ               

có cả phụ nữ                      trẻ em

 

"Chúng tôi xin lỗi đến những người mẹ và người cha, người chị và người anh, đến những gia đình và cộng đồng bị li tán".

"Chúng tôi đặc biệt xin lỗi về hành động tách rời trẻ em bản địa ra khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước họ. Vì nỗi đau đớn, niềm thống khổ và sự tổn thương của những thế hệ bị đánh cắp, con cháu họ và gia đình bị bỏ lại sau lưng, chúng tôi xin lỗi".

 

hơn hai thế kỷ kể từ khi người da trắng đặt chân lên Úc

 

qua 11 năm                của chần chừ và thoái thác

của toan tính đo đếm cân đong

cho

bốn phút của sáng 13-2

không có số lẻ                       của giây         thừa hay thiếu

một lời xin lỗi quốc gia đến những người bị ảnh hưởng

kim giây chả là gì cả cho thời khắc trọng đại này

cho

lời xin lỗi muộn màng này

đến mấy thế hệ của một thế hệ bị đánh cắp

không đưa ra khoản tiền bồi thường

nhưng

 

thủ tướng cam kết sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ mù chữ và chết sớm ở người bản địa trong một thập niên tới. Chính phủ cũng có kế hoạch cải thiện nhà ở cho người bản địa, công nhận họ về mặt hiến pháp là những người làm chủ nguyên thủy của nước Úc

cho

khoảng 460.000 người bản địa sinh sống ở Úc, chiếm 2% dân số

cũng không                số lẻ

trong bài diễn văn dài 20 phút đọc sau khi xin lỗi

4 phút của sáng 13-2 trước vô cùng thời gian và vô tận không gian

về những thế hệ sắp bị đánh cắp

 

Dọc suốt chiều dài lịch sử của những đất nước

còn bao nhiêu thế hệ bị đánh cắp

trên mỏng mảnh mặt đất này?


Ai biết?

bên kia lời xin lỗi là gì

phía sau lời xin lỗi là gì

sau lời xin lỗi còn gì.

 

_______________________

 

Chú thích:

Các chữ in nghiêng là phần copy từ báo Tuổi trẻ, 14-2-2008: “Úc chính thức xin lỗi người bản địa”.

 

 

 

TAM TẤU TCHERFUNITH

(cảm tác từ Việt Nam)

 

1.      Tchernobyl

 

Ngôi nhà trống trong thành phố trống

thành phố vừa bị bỏ lại

cái bàn trống trong ngôi nhà trống

tờ giấy và cây bút bỏ quên              trước chiếc ghế trống

kí ức một gia đình                bị đánh mất, chắc thế

cũng có thể là những                        câu thơ

bỏ quên

 

khi thành phố bị bỏ lại

đang trống hoang

ở một góc trái đất                 đã rất              già.

 

 

2.      Fukushima

 

Những chiếc ô tô

những ngôi nhà và những biệt thự

một khu cư xá đầy nhóc người &

một thị trấn

trôi

như đồ chơi của bọn trẻ con

trong bàn tay bà mẹ thiên nhiên giận dữ.

 

 

3.      Ninhthuận I

 

Số phận một dân tộc

số phận một nền văn minh

số phận một vùng đất

đang bị lôi vào                      cuộc chơi

ngu ngốc.

 

TFN, 10-2011

Ở NƠI ẤY, TỰ DO Ở NƠI ẤY, TỰ DO Reviewed by Hoàng Minh Phong on 16:29 Rating: 5

Không có nhận xét nào: